Theo Uỷ ban Kinh tế, những mô hình kinh doanh mới với căn hộ khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng... cần được quy định rõ hơn.

Thường vụ Quốc hội chiều 17/4 cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Xây dựng, Nhà ở, Quy hoạch đô thị, Kinh doanh bất động sản. Trong đó, vấn đề quản lý kinh doanh bất động sản là căn hộ khách sạn (condotel), biệt thự nghỉ dưỡng (resort) và căn hộ văn phòng (officetel), homestay... cũng được đề cập.

Thẩm tra sơ bộ dự án, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh yêu cầu cơ quan soạn thảo dự án Luật làm rõ các nội dung về việc quản lý mô hình bất động sản dạng này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thông tin, Hiệp hội kinh doanh bất động sản TP HCM tháng nào cũng gửi báo cáo, nói rất nhiều về vấn đề condotel, resort, văn phòng...

Trong vòng một tháng qua, có ít nhất 3 cuộc hội thảo về condotel - chủ đề đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các bộ, ngành, doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư. Gần đây nhất, cũng chủ đề này, một cuộc tọa đàm vừa diễn ra vài ngày trước tại Đà Nẵng - một trong 3 điểm nóng nhất về condotel bên cạnh Khánh Hòa, Phú Quốc. Trong những cuộc hội thảo đó, cam kết lợi nhuận và những biến tướng của một số condotel vẫn là chủ đề được mổ xẻ một cách căng thẳng nhất.

Hiện có khoảng 50 dự án condotel hoặc mô hình ngôi nhà thứ hai đang hoạt động tại thị trường Việt Nam, cung cấp hơn 10.000 căn trong phân khúc từ tầm trung đến cao cấp. Hơn 18.000 căn dự kiến sẽ được đưa vào vận hành trong hai năm tới. Đến hết năm 2019, bất động sản nghỉ dưỡng tại các địa điểm du lịch chính ước tính sẽ tăng 27.000 phòng.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: QH

Ngoài những loại hình kinh doanh mới, việc mở rộng loại bất động sản mà người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức cá nhân nước ngoài được sở hữu cũng được đề cập. Thẩm tra sơ bộ dự án, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua, thuê mua bất động sản du lịch mới chỉ quy định mang tính thí điểm trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Nếu mở rộng ra các nơi khác có thể dẫn đến tình trạng biến các dự án bất động sản du lịch thành khu dân cư không phù hợp với quy hoạch.

"Hơn nữa, việc sở hữu các công trình này chưa có quy định về thời hạn, trong khi dự án đầu tư có thời hạn nhất định. Việc tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở trong công trình xây dựng đa năng có kết hợp để ở cần tuân thủ các quy định của Luật Nhà ở", ông Thanh nói và đề nghị làm rõ các nội dung trên.

Theo bà Ngân, cần phải có quy định, sửa đổi cho chặt chẽ những nội dung nói trên. Bộ trưởng Xây dựng cũng đã có tham mưu sẽ xem lại nộp tiền sử dụng đất một lần, thuê đất một lần, làm thất thoát tài chính nhà nước.

"Thay bằng loại thuế hàng năm thì chúng ta quản lý thu tốt hơn, thu nhiều lần hơn thay vì thu một lần cho 10 năm, 20 năm. Những vấn đề này chúng ta cần nghiêm túc sửa lại hệ thống pháp luật cho đồng bộ, chặt chẽ, điều chỉnh được tất cả những vấn đề đang diễn ra trong thực tiễn", Chủ tịch Quốc hội nói. Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về "cơ sở lưu trú du lịch" và "công trình xây dựng đa năng có kết hợp để ở".

Đây là hai loại hình trong các dự án bất động sản, tuy nhiên, theo ông Thanh, việc quy định không rõ ý nghĩa vì "cơ sở lưu trú du lịch" đã được điều chỉnh bởi Luật Du lịch. Còn công trình xây dựng đa năng có kết hợp để ở thì phải phù hợp với quy hoạch đất đai, quy hoạch đô thị và được xếp vào loại đất theo quy định của pháp luật đất đai.

Mặt khác, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cũng đánh giá, quy định ở khoản này rất chung chung, không mang tính khái quát, điển hình cho các dự án bất động sản.

Hoàng Thùy (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.